Chủ đề và phân tích Vẻ_đẹp_Mỹ_(phim_1999)

Lý giải đa chiều

Các học giả và viện hàn lâm đưa ra nhiều lời diễn giải khác nhau về Vẻ đẹp Mỹ; các nhà phê bình điện ảnh có các ý kiến phân cực, chủ yếu là ở cách tiếp nhận phim hơn là chất lượng của nó.[4] Nhiều người mô tả phim nói về "ý nghĩa cuộc sống", "nhận dạng giới tính" hay "sự tồn tại rỗng tuếch của vùng ngoại ô Hoa Kỳ",[5] bộ phim là một thách thức về mặt phân loại ngay cả với những nhà làm phim. Chính Mendes cũng tỏ ra do dự, cho rằng kịch bản phim bộc lộ những vấn đề khác nhau qua mỗi lần đọc: "một câu chuyện bí ẩn, một hành trình muôn màu xuyên qua ngoại ô Hoa Kỳ, một loạt những chuyện tình; [...] kể về sự giam cầm, [...] sự cô độc [và] cái đẹp. Nó vui nhộn; giận dữ và buồn tẻ."[6] Nhà phê bình văn học và tác giả Wayne C. Booth kết luận bộ phim không thuộc bất cứ định nghĩa nào: "[Vẻ đẹp Mỹ] không thể được tóm tắt đầy đủ là 'một sự châm biếm về những gì đang xảy ra với lối sống Mỹ'; điều đó vô tình làm giảm đi giá trị của cái đẹp. Sẽ dễ dàng hơn nếu tóm tắt phim như 'một bức chân dung vẻ đẹp tiềm ẩn dưới sự khổ đau và sai lầm của người Mỹ'; nhưng điều đó lại làm mất đi ý nghĩa quang cảnh tàn độc và ghê rợn, cùng sự chán ghét của Ball với đạo đức của chúng ta. Phim cũng không thể được tổng kết bằng bất kể lời khẳng định triết lý nào của Lester hay Ricky về định nghĩa cuộc sống hoặc cách mà ai đó nên sống." Ông cho rằng vấn đề phân tích bộ phim này gắn liền với việc tìm kiếm trọng tâm của nó—một khía cạnh chủ đạo "[thống nhất] tất cả các trường hợp".[nb 1][6] Ở Vẻ đẹp Mỹ, ông cho rằng không phải là của Mendes hay Ball.[7] Mendes cân nhắc Ball là khía cạnh chủ đạo, nhưng ngay cả khi tác giả kịch bản "có ảnh hưởng một cách mạnh mẽ" đến phim,[6] ông thường xuyên phải chấp nhận những sai lệch trong quan điểm của mình,[7] đặc biệt là những điểm chuyển mình từ tông điệu cay độc trong kịch bản sang hướng lạc quan hơn.[8] Với "quan điểm thâm nhập vào tầm nhìn gốc của tác giả," Booth nói, những nhà phân tích Vẻ đẹp Mỹ "đã quên tìm kiếm cốt lõi khó nắm bắt nhất". Theo Boothe, thứ thực sự kiểm soát bộ phim nằm ở nguồn năng lượng dồi dào sáng tạo "mà hàng trăm người đã dốc công trong công đoạn sản xuất, chấp thuận và bất đồng, chèn thêm và gọt bớt đi của nó".[4]

Sự giam cầm và giải thoát

Bóng của Lester phản chiếu trên màn hình máy vi tính được ví như hình ảnh một người đàn ông đứng sau song sắt, gợi lên chủ đề bị giam cầm và sự giải thoát bản thân của đạo diễn Sam Mendes.[9][10]

Mendes gọi Vẻ đẹp Mỹ là một trong những bộ phim về sự cầm tù và giải thoát khỏi sự giam cầm. Sự buồn tẻ của nhân vật Lester biểu hiện thông qua nơi làm việc ảm đạm và khó tả cùng phục trang tầm thường.[9] Trong những phân cảnh này, nhân vật bị đè nén như thể mình đang bị lâm vào thế bí, "gợi lại những điều khiến anh ta khó lòng vừa ý". Hình ảnh anh thủ dâm trong lúc tắm;[11] với buồng tắm đứng được ví von với phòng giam, là một trong số những phân cảnh gợi lên sự kìm kẹp đằng sau chấn song sắt hay bị giam cầm của Lester,[9][10] như khi bóng anh phản chiếu đằng sau những cột số trên màn hình máy vi tính, "bị kìm hãm [và] gần như bị bác bỏ".[11] Học giả kiêm tác giả Jody W. Pennington cho rằng hành trình của Lester là cốt lõi của câu chuyện.[12] Chính lúc bản năng tình dục của nhân vật thức tỉnh khi gặp Angela là điểm khởi đầu của nhiều bước ngoặt khác, như lúc anh bắt đầu "[rũ bỏ] đi trách nhiệm trong cuộc sống an nhàn mà anh vốn khinh miệt".[13] Sau khi Lester hút cần sa cùng Ricky, bản chất của anh bộc lộ và bắt đầu nổi loạn chống đối Carolyn.[14] Bị thay đổi bởi "niềm tin quyến rũ và thâm sâu" của Ricky, Lester bị thuyết phục rằng Angela là mục tiêu có thể đạt tới và chất vấn "sự tồn tại sáo rỗng, vô vị của những nhà thực dụng ngoại ô"; anh nhận việc ở một trạm thức ăn nhanh, giúp anh bước chậm lại và "nhìn thấy cả cuộc đời mình ở phía trước".[15]

Khi Lester bị Carolyn bắt gặp lúc đang thủ dâm, hành động trả đũa cho sự thiếu vắng thân mật giữa cả hai, anh lần đầu thổ lộ những suy nghĩ về vợ mình.[16] Bằng việc phân trần vấn đề này và "sự đầu tư hời hợt vào người khác" của Carolyn, Lester đang cố gắng "lấy lại tiếng nói trong ngôi nhà [chỉ tôn trọng] ý kiến của người mẹ và con gái".[15] Bước ngoặt cuối cùng xảy ra khi anh và Angela suýt ân ái;[17] sau khi cô ta thú nhận sự trinh trắng của mình, anh không còn nghĩ cô như một mục đích tình dục nữa, mà nhìn nhận cô như một đứa con gái.[18] Anh ôm chặt và "nâng niu lấy cô". Mendes gọi đây là "cái kết mỹ mãn nhất có thể xảy ra cho hành trình [của Lester]". Với những cảnh phim cuối cùng, Mendes có ý định cho thấy Lester trong đoạn cùng của "cuộc truy lùng hoang đường". Sau khi Lester lấy bia từ tủ lạnh, máy ghi hình quay trực diện vào anh, sau đó hướng về đại sảnh nơi anh bước đến "để gặp vận mệnh của mình".[17][19] Khi bắt đầu cư xử chừng mực trở lại, Lester được máy quay quan sát kỹ hơn.[18] Lúc anh mỉm cười trước bức ảnh gia đình, máy ghi hình chậm rãi chuyển sang tường nhà bếp, nơi máu bắn lên khi phát súng nổ; cảnh quay chậm cho thấy cái chết yên bình của Lester.[20] Cơ thể anh được Jane và Ricky tìm thấy. Mendes cho rằng cái bóng của Ricky phản chiếu trên đôi mắt đã chết của Lester chính là "cực điểm của chủ đề" bộ phim": vẻ đẹp được tìm thấy nơi ít kỳ vọng nhất.[21]

Sự hòa nhập và cái đẹp

Giống như các tác phẩm điện ảnh Hoa Kỳ khác vào năm 1999—như Fight Club, Bringing Out the DeadMagnolia—Vẻ đẹp Mỹ muốn truyền tải cho khán giả thông điệp "[hướng đến] cuộc sống ý nghĩa hơn".[22] Phim dấy lên tranh cãi chống lại sự hòa nhập, dù không phủ nhận mọi người cần và mong muốn điều đó; ngay cả các nhân vật đồng tính trong phim cũng chỉ muốn được hòa nhập.[23] Jim và Jim, các hàng xóm khác của nhà Burnham, là sự trào phúng trước "hình tượng cặp đôi người đồng tính theo giai cấp tư sản",[24] những người cũng "mang nét buồn tẻ tương tự" như những cặp đôi dị tính khác mà bộ phim chỉ trích.[nb 2][25] Học giả và tác giả theo chủ nghĩa nữ giới Sally R. Munt cho rằng Vẻ đẹp Mỹ sử dụng cái bẫy "ngôi nhà nghệ thuật" để mang đến thông điệp thiếu hòa nhập chính yếu ở tầng lớp trung lưu và cách tiếp cận này là "mối bận tâm rập khuôn của giai cấp tư sản; [...] tiền đề tiềm ẩn là giá trị tìm kiếm 'cái tôi' riêng biệt thông qua sự phủ định và sự hy sinh quên mình luôn rộng mở với những người đủ tiền tài để lựa chọn, và đủ xảo quyệt để thể hiện bản thân một cách đồng cảm như một kẻ nổi loạn."[13]

Giáo sư Roy M. Anker cho rằng cốt lõi của phim nằm ở sự chỉ dẫn khán giả để "quan sát kỹ hơn". Mở đầu của phim là tập hợp nhiều quan điểm kỳ lạ về khu phố nhà Burnham, với lời thuật theo lối quy nạp của Lester khi tiết lộ anh sẽ sớm qua đời, khiến khán giả tự mình xem xét số phận và nét đẹp xung quanh chính họ.[26] Còn có hàng loạt những điều bí ẩn khác; Anker hỏi, "đâu là địa điểm chính xác và bắt nguồn từ trạng thái nào mà nhân vật kể lại câu chuyện này? Nếu anh ta đã mất, tại sao lại bận tâm kể lại ước mong của mình trong năm cuối cùng còn sống? Còn một câu hỏi khác về cách Lester đã hoặc sẽ qua đời." Anker tin rằng cảnh trước đó—khi Jane bàn luận cùng Ricky về khả năng giết hại cha cô ấy—góp phần đẩy bí ẩn này lên cao.[27] Giáo sư Ann C. Hall không đồng tình; ông cho rằng đưa ra giải pháp sớm cho bí ẩn này, bộ phim giúp cho khán giả đưa vấn đề sang một bên "để nhìn nhận bộ phim và các vấn đề triết lý" rõ ràng hơn.[28] Thông qua cuộc đời của Lester, từ sự tái sinh rồi lìa đời, Vẻ đẹp Mỹ đã châm biếm những khái niệm về ý nghĩa, cái đẹp và sự thỏa mãn của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ.[29] Cho dù sự thay đổi của Lester chỉ xuất hiện nhờ khả năng tình dục cùng Angela; anh vẫn còn là một "kẻ mộ đạo tự nguyện về niềm hoan hỉ tình dục chớm nở của giới truyền thông, như một chuyến đi khám phá trọn vẹn bản thân".[30] Carolyn cũng có chiều hướng tương tự bởi những quan điểm truyền thống về hạnh phúc; từ đức tin về niềm hạnh phúc nội trợ trong "mái ấm đẹp đẽ" đến chiếc xe và trang phục làm vườn của cô, dinh cơ của Carolyn "quyến rũ tầm nhìn thiên niên kỷ của người Mỹ về Pleasantville, hay Eden".[31] Nhà Burnham không nhận ra mình là "những kẻ thực dụng một cách triết lý và là những nhà tiêu dùng thành kính có đạo đức", kỳ vọng "sự sơ đẳng của vẻ đẹp Hoa Kỳ" sẽ cho họ hạnh phúc. Anker cho rằng "họ vô vọng trong việc tô điểm nền kinh tế và định kiến tình dục [...] khi họ và nền văn hóa kia đã chỉ định chính sự cứu rỗi của họ."[32]

Ricky xuất hiện như là "điều hư ảo, [...] cốt lõi huyền bí và thiêng liêng" của bộ phim.[33] Cậu cảm nhận vẻ đẹp trong từng chi tiết của cuộc sống thường ngày, cố ghi hình lại mọi thứ mình có thể để không bỏ lỡ chúng. Cậu cho Jane thấy điều mà cậu cho là đẹp đẽ nhất mình từng ghi lại: một chiếc túi nhựa cuốn theo làn gió trước một bức tường. Cậu cho rằng ghi lại khoảnh khắc đó chính là lúc cậu nhận ra "cả một cuộc sống đằng sau những thứ vô tri vô giác"; cậu cảm thấy "đôi lúc có nhiều vẻ đẹp trên cõi đời mà tôi cảm thấy như mình không thể ghi lại... và tim tôi cứ thế xốn xang". Anker tranh cãi việc Ricky, khi lướt nhìn qua thứ "cặn bã văn hóa", đã "[chộp lấy] điều huy hoàng rạng rỡ của thế giới vạn vật" để gặp mặt Chúa.[34] Khi phim tiếp diễn, nhà Burnham lại bước đến gần hơn với quan điểm của Ricky về thế giới.[35] Lester chỉ có thể thề bỏ sự thỏa mãn bản thân vào cuối phim. Khi đang ở đỉnh điểm quan hệ cùng Angela, anh trở lại là chính mình sau khi cô ta thú nhận về sự trinh trắng của bản thân. Bỗng nhiên đối diện trước một đứa trẻ, anh bắt đầu cư xử với cô như con gái mình; hành động giúp Lester nhìn nhận bản thân, Angela và gia đình mình "như những tạo vật nghèo nàn và mỏng manh nhưng cũng vô cùng kỳ diệu". Anh nhìn tấm ảnh của gia đình trong khoảnh khắc hạnh phúc[36] và qua đời khi được khai sáng ảnh hưởng với "điều kỳ diệu, niềm vui và lòng biết ơn chân thành"—anh sau cùng cũng nhìn thế gian bằng chính bản chất của nó.[29]

Theo Patti Bellantoni, màu sắc được sử dụng một cách biểu trưng xuyên suốt bộ phim,[37] với sắc đỏ chủ đạo, thể hiện tính quan trọng đặc trưng theo câu chuyện và "[định rõ] vai kể của Lester". Khác với hình tượng xám xịt phản ánh tính thụ động ban đầu của Lester, anh lại thấy mình trong sắc đỏ khi tìm lại được bản chất.[38] Loài hoa hồng "American Beauty" sử dụng nhiều lần như một biểu tượng; khi Lester mơ mộng về Angela, cô thường khỏa thân với những cánh hoa hồng rơi xung quanh. Trong những cảnh này, bông hồng tượng trưng cho dục vọng của Lester dành cho cô. Khi bông hồng liên kết cùng Carolyn, chúng đại diện cho "bộ mặt thành công ở ngoại thành".[12] Hoa hồng cũng được nhìn thấy trong gần như mọi cảnh quay tại nhà Burnham, nơi chúng thể hiện mình là "chiếc mặt nạ giấu đi thực tế ảm đạm và xấu xí".[32] Carolyn cảm thấy "nơi nào có thể đặt hoa hồng, tất cả đều ổn".[32] Cô tỉa hoa và đặt chúng vào lọ,[12] nơi chúng tô điểm cho "ảo mộng giả tạo của cái đẹp"[32] và bắt đầu héo dần.[12] Những cành hồng trong lọ ở những cảnh Angela và Lester ve vãn cùng nhau tượng trưng cho đời sống trước đây của Lester và Carolyn; máy quay ghi cận cảnh khi Lester và Angela đến gần nhau, sau cùng đưa những cành hồng—và cả Carolyn—ra khỏi cảnh quay.[17] Sự hiện ra của Lester lúc cuối phim bày tỏ thông qua cơn mưa và sử dụng sắc đỏ gầy dựng nên sự tương phản kỹ càng với đỉnh điểm khi Lester giải tỏa cảm xúc của mình.[39] Việc dùng không ngớt sắc đỏ "làm lắng đi tiềm thức [của khán giả]" và quen mắt với nó; vì thế, khiến khán giả bất ngờ khi Lester bị bắn và vệt máu đỏ của anh vương vãi khắp tường.[38]

Bản chất tình dục và sự kìm nén

Pennington tranh luận Vẻ đẹp Mỹ định nghĩa các nhân vật thông qua bản chất tình dục của họ. Những ý định hồi sinh lại tuổi trẻ của Lester là kết quả dẫn từ ham muốn của anh cùng Angela[12] và tình trạng rạn nứt quan hệ của anh cùng Carolyn được phản ánh thông qua những lần tiếp xúc thân thể ít ỏi của cả hai. Cũng vì thất vọng trong chuyện thể xác, Carolyn đã có một mối quan hệ lén lút khác, đưa cô từ "một kẻ cầu toàn lạnh lùng" thành một tâm hồn vô tư khi "[cất tiếng hát] hạnh phúc" theo nhạc chơi trong xe.[40] Jane và Angela liên tục đề cập đến tình dục, thông qua mô tả của Angela về các tình huống tình dục mà cô gặp phải và cách mà các cô gái suy nghĩ về nhau.[40] Những cảnh khỏa thân ở họ đều truyền tải sự tổn thương của nhau.[17][41] Trong đoạn kết phim, sự tin tưởng của Angela ở Jane yếu dần cho đến khi sức mạnh duy nhất mà cô có để khống chế bạn mình chính là sức hút của Lester dành cho cô.[42] Đại tá Fitts phản ứng một cách kinh tởm khi gặp mặt Jim và Jim; ông hỏi, "Làm sao những đứa đồng tính này luôn cứ xuất hiện trước mặt mình thế? Họ không thấy hổ thẹn hay sao?" Ricky trả lời, "Đó chính là vấn đề đấy Bố—họ không thấy có gì phải đáng xấu hổ cả". Pennington cho rằng phản ứng của Đại tá Fitts không phải là kỳ thị, mà là sự "tự dày vò thẩm vấn bản thân".[43]

Cùng với những bộ phim cuối thiên niên kỷ khác như Fight Club, In the Company of Men (1997), American Psycho (2000) và Boys Don't Cry (1999), Vẻ đẹp Mỹ "mở rộng hơn, thăm dò xa rộng vấn đề của giới mày râu trong cơn khủng hoảng".[44] Giáo sư Vincent Hausmann cho rằng trong thực trạng gia tăng nam giới "trước những yêu sách đe dọa bởi chiến tranh, bởi chủ nghĩa tiêu dùng và những thách thức về bình đẳng nữ giới và người đồng tính", những bộ phim như thế này cho thấy nhu cầu "tập trung và thậm chí đặc ân" từ những khía cạnh mà đấng mày râu "cho là điều sai lệch". Sự biến chất của Lester cho thấy "anh, chứ không phải người phụ nữ, là người gánh vác trách nhiệm [của việc thiếu nhân tính]"[nb 3] và không thể chịu đựng sự nhu nhược.[44] Ý định "tăng nét nam tính truyền thống" của Lester dấy lên xung đột với trách nhiệm làm cha của anh. Cho dù phim thể hiện Lester trở lại vai trò làm cha một cách tích cực, anh vẫn không trở thành "hình tượng đàn ông được phóng đại trong những bộ phim như Fight Club". Hausmann kết luận hành vi của Lester đối với Angela là "sai lầm nhưng gần như là bước tiến cần thiết để lần nữa trở thành một người cha".[11]

Hausmann cho rằng bộ phim "dứt khoát khẳng định tính quan trọng trong duy trì sự ngăn cấm tình cảm loạn luân";[45] chủ đề thường thấy trong tác phẩm của Ball là sự so sánh những điều cấm kỵ xung quanh tình cảm loạn luân và đồng tính luyến ái.[46] Thay vì thực hiện tính phân biệt công khai, Vẻ đẹp Mỹ lại cho thấy sự kìm hãm có thể dẫn đến bạo lực.[47] Đại tá Fitts do cảm thấy hổ thẹn bởi thiên hướng tình dục đồng giới của mình mà ra tay sát hại Lester.[43] Ball cho rằng, "Bộ phim cho thấy cách mà nỗi ghê sợ đồng tính luyến ái dựa trên sự lo sợ và đàn áp về những gì [họ] có thể làm được."[48] Bộ phim còn mang hàm ý về hai dục vọng loạn luân chưa thỏa mãn:[23] niềm khao khát Angela của Lester là biểu thị cho sự khao khát ở chính đứa con gái của mình,[49] trong khi sự đàn áp của Đại tá Fitts biểu lộ thông qua tính kỷ cương về tính dục để kiểm soát Ricky.[23] Do đó, Ricky nhận ra mình chỉ có thể làm tổn thương ông ta bằng việc vờ thú nhận mình là kẻ đồng tính luyến ái, trong khi sự mỏng manh và sức quy phục của Angela gợi lại cho Lester về trách nhiệm và giới hạn ảo mộng của mình.[42] Đại tá Fitts đại diện cho cha của Ball,[50] người tự đè nén dục vọng đồng giới và gây nên bất hạnh cho chính mình.[51] Ball đã chỉnh sửa lại nhân vật Đại tá Fitts nhằm hoãn tiết lộ về thiên hướng tình dục của ông, điều mà Munt hiểu là khả năng "hoãn lại mộng ái loạn luân gia trưởng của chính Ball".[47]

Nhịp độ và âm nhạc

Hai hình ảnh nhà Burnham dùng bữa tối ghi lại bởi cùng một góc độ quay, được xem là một trong những "nhịp điệu lặp lại" xuất hiện nhằm định hình nên cốt lõi của cấu trúc phim.[52][53][54]

Vẻ đẹp Mỹ có cấu trúc dẫn chuyện truyền thống, duy chỉ phần mở đầu được thay thế bằng cảnh Jane và Ricky trích từ lưng chừng câu chuyện. Churby cho rằng nội dung "không chiếm giữ [...] [hoặc] giành tất cả thời lượng", trích dẫn lời khẳng định của Lester rằng cuộc sống không hề lướt qua mắt anh, nhưng "trải dài bất tận như biển cả thời gian".[55] Furby tranh cãi việc "nhịp điệu lặp lại" định hình nên cốt lõi cấu trúc phim.[54] Ví dụ, hai phân cảnh nhìn thấy nhà Burnham ngồi cùng nhau trong bữa tối ghi lại cùng một góc độ. Mỗi hình ảnh đều giống nhau, với những khác biệt nhỏ ở cách bố trí đồ vật và ngôn ngữ hình thể phản ánh tính quyết đoán mới được tìm thấy của Lester.[52][53] Một ví dụ khác, với hai cảnh Jane và Ricky ghi hình lẫn nhau. Ricky ghi lại Jane từ cửa sổ phòng ngủ khi cô đang cởi bỏ nội y, sau đó hình ảnh đổi ngược với cùng tính chất "mãn nhãn và phô bày" khi Jane ghi hình Ricky trong khoảnh khắc tổn thương.[55]

Ảo mộng của Lester nhấn mạnh bởi phong cách ghi hình chuyển động chậm và lặp lại;[56] Mendes sử dụng cắt bỏ đúp-và-gấp-ba trong nhiều cảnh,[16][57] và phần nhạc nền thay đổi khiến khán giả nhận biết mình đang xem một đoạn tưởng tượng.[58] Một ví dụ khác ở cảnh phòng tập thể dục—nơi Lester lần đầu gặp mặt Angela. Trong khi các cổ động viên khác đang trình diễn giữa giờ với bài hát "On Broadway", Lester lại trở nên lưu luyến với Angela. Thời gian chậm lại nhằm thể hiện "sự thôi miên mãn nhãn" của Lester và ảo mộng về Angela chỉ đang trình diễn cho riêng anh.[59] "On Broadway"—bài hát thường mang lại sự nhấn mạnh hành động trên màn ảnh—lại được thay thế bởi loại âm nhạc nghịch tai và bộ gõ, gây nên sự lệch lạc về nhịp điệu và tiến triển. Phần nhạc nền truyền dẫn này mang tính quan trọng trong tạo dựng sự ngưng trệ tường thuật cảnh phim;[60] nó truyền đạt khoảnh khắc bị kéo giãn đến độ dài vô tận cho Lester. Hiệu ứng này là một trong những điều mà Phó Giáo sư Stan Link xem là "thời điểm cực đại", được nhà soạn nhạc và nhà lý luận âm nhạc Jonathan Kramer mô tả âm nhạc đưa "thời điểm hiện tại kéo dãn thành một độ dài khổng lồ, một khả năng 'hiện tại' vô hạn nhưng có cảm giác như trong chốc lát".[nb 4] Âm nhạc được sử dụng như một tín hiệu về thị giác, vậy nên Lester và nhạc nền đều hướng về Angela. Cảnh phim kết thúc với sự tái áp bất chợt của "On Broadway" và mục đích thời gian.[61]

Theo Drew Miller từ Stylus, phần nhạc phim "[góp nên] tiếng nói vô thức" đến linh hồn của các nhân vật và bổ trợ vào hàm ý của phim. Việc sử dụng rõ ràng nhất của dòng nhạc pop giúp "đệm thêm và đưa ngữ cảnh" vào ý định hồi xuân của Lester; nhằm gợi lại xung đột giữa phản văn hóa thập niên 1960 và sự đè nén của người Mỹ thông qua âm nhạc và ma túy, Lester bắt đầu hút ma túy và nghe nhạc rock.[nb 5] Lựa chọn bài hát của Mendes "phát triển theo lịch sử dòng nhạc thịnh hành Mỹ". Miller nêu ý kiến cho dù một vài bài hát đã quá quen thuộc, vẫn còn đó yếu tố gây cười trong phim, "thể hiện sự khuyến khích [từ phim] để người xem có thể 'quan sát kỹ hơn'". Đến cuối phim, phần nhạc nền do Thomas Newman đảm nhiệm xuất hiện thường xuyên hơn, tạo nên "một nhịp độ nhiễu loạn" tương thích cùng sự kịch tính về mặt hình ảnh. Điểm ngoại lệ nằm ở bài hát "Don't Let It Bring You Down" chơi trong lúc Angela cám dỗ Lester. Chiếm hữu vào lúc đầu, giai điệu của nhạc phẩm trở nên tương phản hơn khi cuộc quyến rũ chấm dứt. Ca từ của bài hát, nói về "tòa lâu đài bùng cháy", có thể được nhìn nhận là phép ẩn dụ trước quan điểm của Lester với Angela—"vẻ ngoài xây dựng lạc quan và đầy ảo mộng của 'Vẻ đẹp Mỹ'"—khi chúng bùng cháy và để lộ "một cô gái nhút nhát và bình thường, giống như vợ của anh, cố tình xây dựng cái tôi sai lệch trước công chúng".[62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vẻ_đẹp_Mỹ_(phim_1999) http://www.accessmylibrary.com/coms2/summary_0286-... http://www.afi.com/Docs/100Years/Movies_ballot_06.... http://www.allbusiness.com/media-telecommunication... http://www.blu-ray.com/movies/American-Beauty-Blu-... http://boxofficemojo.com/movies/?id=americanbeauty... http://www.boxofficemojo.com/movies/?page=weekend&... http://www.dreamworks.com/ab/ http://www.ew.com/article/2000/03/27/why-american-... http://www.metacritic.com/movie/american-beauty http://movies.nytimes.com/movie/180738/American-Be...